Khi mất ngủ, con người thường có xu hướng ăn nhiều hơn các loại thức ăn vặt chứa nhiều calorie và giàu chất béo, ví dụ như bánh mì, khoai chiên hay pizza. Một nghiên cứu thực hiện tại Bệnh viện Đại học Northwestern (Mỹ) đã lý giải cơ chế này nhằm loại bỏ những lựa chọn không lành mạnh này.

Ảnh: CC0 Public Domain

Nguyên nhân được phát hiện nằm ở mũi, hay khứu giác ở người. Khi bị thiếu ngủ, khứu giác sẽ bị ảnh hưởng theo hai hướng. Đầu tiên, khứu giác sẽ trở nên “tăng động”, cực kỳ nhạy cảm và khiến não bộ phân biệt rõ ràng được giữa mùi đồ ăn và mùi không phải từ đồ ăn. Tuy nhiên, việc truyền thông tin giữa các phần não bộ xử lý tín hiệu về đồ ăn sẽ gặp gián đoạn và làm thay đổi quyết định ăn uống.

“Nếu cơ thể bị thiếu ngủ, các phần của não bộ sẽ không nhận được đủ thông tin, dẫn tới việc lựa chọn thức ăn có nhiều tín hiệu năng lượng hơn”, nhà nghiên cứu Thorsten Kahnt (Trường Y dược Feingberg, Đại học Northwestern) cho biết. Một nguyên nhân khác có thể là do các bộ phận này không thể nắm bắt được các tín hiệu trong thùy khứu giác, dẫn đến ăn đồ chiên rán, chứa nhiều chất béo như bánh donut hay khoai chiên.

Nghiên cứu được đăng tải trên eLife. Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu ngủ làm tăng lượng sản sinh endocannbinoid trong cơ thể, là các hợp chất đóng vai trò quan trọng quy định hành vi ăn uống và các phản ứng của não bộ với mùi hương, trong đó có mùi thức ăn.

Kahnt và các cộng sự đã thực hiện một thí nghiệm gồm hai giai đoạn trên 29 người nam và nữ trong độ tuổi từ 18 đến 40. Người tham gia thí nghiệm sẽ được chia thành hai nhóm, trong đó một nhóm được ngủ vào ban đêm theo thói quen thông thường và sau 4 tuần thì chỉ được ngủ 4 giờ mỗi đêm. Nhóm còn lại sẽ theo chế độ ngược lại với nhóm 1.

Mỗi ngày sau khi thức dậy, họ sẽ được phục vụ theo một thực đơn được kiểm soát sẵn cho cả ba bữa sáng, trưa và tối và còn thêm cả một bữa tiệc tự chọn các loại đồ ăn vặt. Các nhà khoa học, qua theo dõi khối lượng và loại thức ăn họ đã tiêu thụ, phát hiện sự thay đổi trong việc chọn lựa thức ăn của người tham gia. Sau một đêm thiếu ngủ, họ sẽ bị hấp dẫn bởi các loại đồ ăn vặt, vốn có hàm lượng năng lượng cao (chứa nhiều calorie trên mỗi gram) hơn.

Nồng độ hai hợp chất endocannabinoid – 2AG và 2OG – trong máu cũng được theo dõi, cho thấy lượng 2OG tăng nhanh sau một đêm mất ngủ và chính là nguyên nhân gây ra sự thay đổi trong khẩu vị.

Bên cạnh đó, trước mỗi bữa buffet đồ ăn vặt, các nhà khoa học sẽ quan sát piriform cortex – vùng thuộc vỏ não đầu tiên nhận tín hiệu từ mũi - của người tham gia bằng cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Kết quả cho thấy piriform cortex ở người thiếu ngủ có cơ chế hoạt động khác nhau khi gặp mùi đồ ăn và các mùi khác.

Thông thường, piriform cortex sẽ truyền thông tin đến thùy chẩm, nơi tiếp nhận các tín hiệu quan trọng quyết định đến việc ăn uống như mùi, vị hay lượng thức ăn còn lại trong dạ dày. Tuy nhiên, thùy chẩm của người thiếu ngủ cho thấy sự giảm sút trong khả năng trao đổi thông tin, cùng với lượng 2OG tăng, dẫn đến khẩu vị thay đổi.

Giải pháp cho tình trạng này là, thay vì ngủ nhiều hơn, người bị mất ngủ có thể chú ý đến vai trò của mũi trong việc lựa chọn thức ăn, khi mà não bộ bị thiếu ngủ sẽ nhạy cảm hơn với những món ăn có hương vị hấp dẫn, như tránh đi qua tiệm bánh ngọt hay bếp đang chiên rán.

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2019-10-craving-junk-food-sleepless-night.html